Tầng 4, L7-30 Khu đô thị Đại Kim Mới - Athena Fulland, P Đại Kim, Q Hoàng Mai, Hà Nội.

contact@northwest.com.vn

034 738 0008 - 0983 217 438

Với vai trò là 01 tổ chức khoa học công nghệ duy nhất của tỉnh Hòa Bình đang hoạt động nhằm bảo vệ quyền và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho các nhóm dân tộc thiểu số tại địa phương, Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc – TABA đã thực hiện dự án: Nâng cao năng lực và cơ hội tham gia vào tiến trình hoạch định và triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo cho các nhóm dân tộc thiểu số Tày, Mường, Dao thuộc các xã vùng cao đặc biệt khó khăn và xã tái định cư thủy điện Sông Đà tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình”. Đề án được tiến hành tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình trong thời gian 12 tháng từ tháng 8/2013 đến tháng 7/2014.


Dự án được sự tài trợ của Chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam - VACI và phối hợp thực hiện cùng UBND huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.


Để giải quyết triệt để tình trạng nghèo đói của xã Hiền Lương, bên cạnh những giải pháp tức thời như viện trợ, từ thiện... thì cần có sự thay đổi sâu sắc từ nhận thức của người dân và chính quyền xã. Từ đó tăng cường sự trao đổi dân chủ của chính quyền và người dân, khai thác sức mạnh dân chủ trong quá trình hoạch định và triển khai các dự án kinh tế xã hội của địa phương. Muốn đạt được mục đích đó, TABA đã đề ra những mục tiêu cụ thể sau:


- Thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp lệnh dân chủ cơ sở và đào tạo kỹ năng giám sát các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho đại diện 565 hộ dân (2.194 khẩu) xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.


- Tạo cơ hội giúp dân thực hiện quyền "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và hỗ trợ chính quyền xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng tính minh bạch trong tiến trình quản lý và triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất.


- Đóng góp ý kiến, xây dựng kiến nghị gửi tới UBND huyện Đà Bắc, UBND tỉnh Hòa Bình nhằm thúc đẩy tiến trình tham gia, giám sát của người dân trong hoạch định và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn, các xã tái định cư vùng lòng hồ sông Đà trên địa bàn huyện.


Trong 1 năm thực hiện dự án, Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc đã thực hiện các hoạt động chính như sau:


- Khảo sát địa bàn dự án về thực hiện dân chủ, in ấn và tuyên truyền tài liệu về dân chủ, tập huấn nâng cao năng lực cho người dân và chính quyền,...


- Tổ chức đối thoại chính sách và họp dân lấy ý kiến đóng góp cho UBND xã về việc xây dựng kế hoạch triển khai các dự án kinh tế xã hội của địa phương.


- Tổng kết và tài liệu hóa dự án sau khi hoàn thành và tổ chức hội thảo giới thiệu mô hình dự án tới UBND huyện Đà Bắc để làm cơ sở triển khai trên các xã còn lại của huyện.


Với các hoạt động thiết thực đó, sau khi kết thúc dự án, Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc đã tổng kết những kết quả đáng mừng:


- Hơn 80% người dân xã Hiền Lương và các Tổ chức hội, Ban giám sát dự án xã Hiền Lương được nâng cao năng lực thực hiện quyền dân chủ cơ sở và tham gia vào tiến trình ra quyết định, triển khai các hoạt động phát triển kinh tế địa phương. (Có hiểu biết về quy chế dân chủ cơ sở; biết cách triển khai quy trình thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường;  có kỹ năng giám sát các dự án phát triển kinh tế, xã hội ở xã; có kỹ năng tổ chức và tham gia đối thoại chính sách; họp góp ý xây dựng chính sách phát triển kinh tế, xã hội)


- Tạo được các cơ hội thực tiễn giúp: người dân tham gia vào tiến trình ra quyết định và triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo tại địa bàn xã năm 2013 -2014; UBND xã Hiền Lương công khai các thông tin và lắng nghe ý kiến từ phía người dân về kế hoạch, tiến trình thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo của xã năm 2013 -2014


- Mô hình hóa hoạt động dự án, hệ thống tài liệu dự án gửi kiến nghị về tính hiệu quả của dự án tới chính quyền địa phương nhằm nhân rộng mô hình dự án.


Với mô hình Hiền Lương, UBND huyện Đà Bắc cũng như UBND tỉnh Hòa Bình đã có cơ sở thực hiện tiến trình quản lý và triển khai các dự án hỗ trợ giảm nghèo trên toàn huyện, toàn tình. Từ đó kêu gọi sự đầu tư có chiều sâu trong việc nâng cao năng lực giám sát cho người dân, năng lực giải trình cho đơn vị tiếp quản trực tiếp các dự án xóa đói giảm nghèo là UBND xã. Bên cạnh đó, kết quả từ dự án sẽ là cơ sở để kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho chính quyền và người dân ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn, các xã định cư vùng lòng hồ thủy điện sông Đà thực hiện tiếp nhận, triển khai các dự án hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, giúp người dân vùng định cư lòng hồ thủy điện sông Đà chủ động ổn định đời sống, phát triển kinh tế. 


Trong 1 năm thực hiện dự án, TABA đã thực hiện 3 giai đoạn với các nhóm hoạt động cụ thể như sau:


Giai đoạn 1: Nâng cao nhận thức về dân chủ cơ sở: Giúp người dân hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mình đối với việc hoạch định và thực hiện đồng thời giúp chính quyền xã nâng cao năng lực quản lý, điều hành theo tinh thần dân chủ, khai thác được sức mạnh đoàn kết của nhân dân.


- Hoạt động 1: Khảo sát địa bàn dự án về thực hiện dân chủ cơ sở và sự tham gia của người dân trong tiến trình xây dựng triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.


-  Hoạt động 2: Chuyển giao và in ấn tài liệu dự án


Các tài liệu gồm: Quy trình thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường; Kỹ năng giám sát dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; Kỹ năng giám sát dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại địa phương; Quy trình cộng đồng đánh giá dịch vụ công của chính quyền cơ sở; Quy trình đối thoại với cộng đồng về thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội.

 

Hoạt động 3: Tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức hội, ban giám sát xã.


+ Tổ chức 8 buổi tập huấn, giúp 28 cán bộ đến từ các Tổ chức Hội (hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên) và Ban giám sát dự án xã Hiền Lương được đào tạo, nâng cao kỹ năng thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở ở xã, phường.  


+ Tổ chức 21 lớp học kỹ năng giám sát dự án; quy trình thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở…do cộng đồng chủ động tổ chức dưới sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật từ dự án. Cung cấp kiến thức, kỹ năng cho 420 người dân trên 7 xóm thuộc xã Hiền Lương.


- Hoạt động 4: Hỗ trợ cộng đồng tự tổ chức các buổi tập huấn nâng cao năng lực tham gia vào tiến trình hoạch định và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội xã.


Dự án đã dành 01 khoản ngân sách là 2.000.000 đồng/1 buổi tập huấn để hỗ trợ các trưởng xóm phối hợp với các cán bộ thuộc Hội phụ nữ và Ban giám sát dự án (đã tham gia lớp đào tạo cán bộ nguồn) để tổ chức các buổi tập huấn, truyền đạt lại kiến thức đã được học tới người dân.

Giai đoạn 2: Thực hiện các hoạt động thực tế áp dụng kiến thức dân chủ cơ sở vào xã Hiền Lương: tổ chức đối thoại chính sách, lấy ý kiến đóng góp để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013-2014 của xã:


- Hoạt động 1: Họp dân lấy ý kiến đóng góp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội xã Hiền Lương.


Tổ chức 02 cuộc họp lấy ý kiến của dân về chủ đề đối thoại và hướng dẫn cách tham gia, tổ chức đối thoại trước mỗi cuộc đối thoại chính sách. (Người dân được tham gia giám sát)


- Hoạt động 2: Tổ chức đối thoại chính sách.


+ Tổ chức 02 cuộc đối thoại chính sách nhằm công khai minh bạch thông tin về tiến trình, kết quả triển khai kế hoạch phát triên kinh tế, xã hội xã Hiền Lương năm 2013.


- Tổ chức 01 cuộc họp giữa đại diện dân và chính quyền địa phương nhằm đóng góp ý kiến, bàn luận về việc xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phát triển kinh tế, xã hội xã Hiền Lương năm 2014-2015. (Người dân được tham gia xây dựng kế hoạch) 


- Hoạt động 3: Khảo sát và đánh giá những thay đổi trước – sau khi thực hiện dự án đối với cộng đồng dân cư xã Hiền Lương huyện Đà Bắc.


Giai đoạn 3: Tổng kết dự án - Tài liệu hóa kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm - Mô hình hóa dự án để nhân rộng toàn huyện Đà Bắc:


- Tổ chức 01 hội thảo giới thiệu mô hình dự án tới UBND huyện Đà Bắc, UBND tỉnh Hòa Bình, các đơn vị báo chí trong toàn tỉnh Hòa Bình.


- Tập hợp 01 bộ tài liệu gồm 4 loại sách hướng dẫn kỹ năng từ dự án gửi tới chính quyền địa phương. In 400 cuốn sách hướng dẫn kỹ năng tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.


-  Hệ thống hóa các hoạt động dự án thành 01 mô hình, gửi tới chính quyền địa phương làm căn cứ cho những kiến nghị của dự án.


Sau 1 năm thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả đáng mừng, tạo được nhiều thay đổi tích cực trong xây dựng chính quyền dân chủ ở xã Hiền Lương - huyện Đà Bắc - tỉnh Hòa Bình; đồng thời góp phần tạo đà cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

Tin bài liên quan