Tầng 4, L7-30 Khu đô thị Đại Kim Mới - Athena Fulland, P Đại Kim, Q Hoàng Mai, Hà Nội.

contact@northwest.com.vn

034 738 0008 - 0983 217 438

Trong tiến trình giảm nghèo đa chiều bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số cần phải giúp họ hưởng đầy đủ các quyền và được bình đẳng thực chất. Một trong những quyền đó là quyền được tiếp cận thông tin bằng ngôn ngữ của họ.


Mạng lưới các tổ chức xã hội khu vực miền núi phía bắc - Northnet tiên phong trong vấn đề quyền tiếp cận thông tin của người dân tộc thiểu số. Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc tự hào là 1 thành viên trong mạng lưới 10 tổ chức của Northnet tham gia dự án: “Tăng cường tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua hiệu quả hoạt động của các mạng lưới các tổ chức xã hội” được tài trợ bởi Liên Minh Châu Âu, do Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật và điều phối thực hiện từ 2013 đến 2016.


Trong khuôn khổ dự án, Northnet triển khai hoạt động nghiên cứu Luật tiếp cận thông tin được triển khai trong thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 11/2015. Đồng hành cùng Northnet, TABA thực hiện nhiệm vụ chính là: khảo sát, nghiên cứu thực địa nhu cầu nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân tộc thiểu số tại tỉnh Hòa Bình.


Theo thống kê dân số toàn quốc năm 1999, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 6 dân tộc sinh sống, đông nhất là người Mường chiếm 63,3%; người Kinh chiếm 27,73%; người Thái chiếm 3,9%; người Dao chiếm 1,7%; người Tày chiếm 2,7%; người Mông chiếm 0,52%. Đây là một trong những tỉnh miền núi có số lượng người dân tộc thiểu số lớn của miền Bắc. Điều kiện sống của các hộ gia đình dân tộc thiểu số của tỉnh cũng thuộc diện vô cùng khó khăn. Do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc tiếp cận thông tin của người dân tộc thiểu số ở Hòa Bình là vô cùng hạn chế. Do đó, Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc đã chọn tỉnh Hòa Bình là địa điểm thực hiện khảo sát, nghiên cứu nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân tộc thiểu số.


Nghiên cứu này là cơ sở thực tiễn để đánh giá nhu cầu tiếp cận thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó hoàn thiện nghiên cứu về Luật tiếp cận thông tin, giúp tăng cường tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số.


Để thực hiện nhiệm vụ trên, TABA đã tiến hành các hoạt động phỏng vấn, khảo sát trên địa bàn 2 xã của huyện Đà Bắc và 2 xã của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình trong thời gian tháng 3/2015. Cụ thể:


- Tiến hành phỏng vấn ở xóm Doi và xóm Mơ - xã Hiền Lương – huyện Đà Bắc trong thời gian từ 03/3 – 04/3/2015. Phỏng vấn ở xóm Phủ và xóm Cha - xã Toàn Sơn – huyện Đà Bắc trong ngày 05/3 – 06/3/2015. Phỏng vấn ở xóm Chiềng, xóm Bách – xã Lũng Vân – huyện Tân Lạc trong ngày 07/3/2015. Phỏng vấn ở xóm Hò Trên, xóm Hày Dưới – xã Lũng Vân – huyện Tân Lạc trong thời gian từ 08/3 – 09/3/2015.


- Các đối tượng được phỏng vấn bao gồm: Các hộ gia đình nghèo người dân tộc Mường, Dao, Thái; lãnh đạo thôn/xã; Ban XĐGN; y tế thôn; thầy cúng…- Các hình thức phỏng vấn bao gồm: phỏng vấn nhóm, phỏng vấn đơn, phỏng vấn sâu,… Sau thời gian khảo sát, từ các dữ liệu thu thập và tổng hợp được, nhóm chuyên gia của TABA đã đưa ra những kết luận sơ bộ về thực trạng và nhu cầu tiếp cận thông tin của người DTTS Hòa Bình.


- Cộng đồng DTTS trong nghiên cứu có TĐHV chủ yếu là tiểu học hoặc THCS, đa số biết nói tiếng phổ thông. Kinh tế hộ gia đình chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt và chăn nuôi (88%), tuy nhiên phần lớn các sản phẩm thì lại chủ yếu phục vụ cho mục đích tự cung tự cấp. Khoảng cách của hộ gia đình đến trung tâm xã là khoảng 5km nhưng đường xá đi lại khó khăn. Hầu hết các khu vực được phủ sóng điện thoại nhưng chỉ có 1 bộ phận rất nhỏ người DTTS có thể tiếp cận được internet.


- Họp thôn là kênh thông tin phổ biến nhất tại cộng đồng DTTS hiện nay nhưng lại có những nhược điểm như là người đi họp chủ yếu là nam giới (57%), mức độ tham gia của người dân cũng hạn chế, thường là bị động và một chiều.

- Mặc dù vẫn còn có những hạn chế nhất định trong dịch vụ điện thoại, mức độ phủ sóng điện thoại nhưng bởi tính sẵn có “trung bình mỗi hộ gia đình có 1 điện thoại di động.


- Nội dung thông tin thường được quan tâm trong cộng đồng DTTS khác nhau trên các kênh thông tin khác nhau. Thời sự và thời tiết là 2 nội dung thông tin được quan tâm nhiều nhất trong cộng đồng DTTS. Người DTTS thường xem các chương trình giải trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng vì hình ảnh sinh động cuốn hút, nhưng lại ít tìm kiếm thông tin liên quan đến các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội hay các thông tin khoa học kỹ thuật trên các kênh thông tin này vì không thạo tiếng phổ thông “từ ngữ kỹ thuật khó hiểu lại thoáng qua nhanh”.


- Khoảng một nửa số người tham gia nhận định rằng mình biết về thông tin và được cung cấp nhưng lại chưa hiểu hết thông tin đó dẫn đến không biết xử lý thông tin đó như thế nào, vậy nên truyền thông trong cộng đồng DTTS hiện này mới chỉ dừng lại ở việc “đưa thông tin” một cách thụ động.


- Trong nghiên cứu, phụ nữ ít cơ hội được tiếp cận thông tin hơn nam giới bởi vì sự hạn chế về ngôn ngữ, và không có thời gian do nhiều công việc nhà.


- Một số tương quan nhất định giữa khả năng tiếp cận thông tin với  các yếu tố liên quan đến tính sẵn có của các dịch vụ cung cấp thông tin và kênh thông tin trong cộng đồng DTTS, cụ thể: nếu thông tin được cung cấp đầy đủ thì khả năng tiếp cận thông tin của người dân cao gấp 7.6 lần so với khi thông tin không được cung cấp đầy đủ.


Kết quả nghiên cứu đã cho thấy sự cần thiết phải có những quy định và chính sách cụ thể về vấn đề thông tin và tiếp cận thông tin; tăng tính sẵn có của các kênh thông tin,  nội dung thông tin phải đa dạng, tạo cơ hội để mọi người trong cộng đồng đều có thể tiếp cận thông tin; nên có các quy định về công khai của thông tin và không bị hạn chế bởi nhu cầu của người dân để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và xã hội trong cộng đồng DTTS.

 

 

Tin bài liên quan